Tổng Giám mục phó Sài Gòn (1975 – 1994) Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Nhậm chức và phản ứng từ chính quyền

Ngày 23 tháng 4 năm 1975, Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, chức vị tổng giám mục phó của Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông tạm hoãn về Sài Gòn, đến ngày 7 tháng 5 thì ông mới về thành phố này để nhận nhiệm vụ mới.[2] Trong sách "Năm chiếc bánh và hai con cá" do chính ông viết, ông hồi tưởng về sự kiện này như sau: Ðêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha. Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… [11]

Ngày 27 tháng 6 năm 1975, Ủy ban Quân Quản thành phố Sài Gòn – Gia Định công bố quyết định không cho ông Nguyễn Văn Thuận hoạt động tôn giáo tại nhiệm sở mới. Trong cuộc họp kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Tổng giám mục Thuận đã tiếp xúc với ba cán bộ cao cấp của Ủy ban Quân quản cùng nhóm những người Công giáo yêu nước, họ cho rằng việc thuyên chuyển một người họ hàng với Ngô Đình Diệm vào Sài Gòn vào thời điểm này là âm mưu của các nước đế quốc.[11] Ngày 1 tháng 7 năm 1975, Ủy ban Quân Quản gởi cho ông một văn thư yêu cầu phải trở lại nơi cư trú như trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.[12]

Thời gian trong tù và quản chế

Vụ việc bắt giữ

Ngày 15 tháng 8 năm 1975, Ủy ban Quân quản mở cuộc họp tại Nhà hát Thành phố để tuyên truyền về "âm mưu" và buộc tội Tân Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận. Bị mời đến có khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ. Lúc 14 giờ, hai giám mục của Sài Gòn là Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và Tổng giám mục Phó Nguyễn Văn Thuận được đưa đến Dinh Độc Lập. Khi đi dọc hành lang để đến phòng họp, tổng giám mục Bình đi trước giám mục Thuận thì một công an chặn và dẫn giám mục Thuận rời đi. Tổng giám mục Bình có cuộc hội kiến với tướng Trà. Khi ra về, khi được hỏi về giám mục Thuận để cùng ra về, Tổng giám mục Bình nhận được hồi đáp của tướng Trà: Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.[11] Cùng ngày, Công an đến bắt Nguyễn Văn Thuận đưa đến Nha Trang, đến quản thúc tại Giáo xứ Cây Vông, thuộc xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.[13] Ít lâu sau, ông bị đưa vào giam ở trại Phú Khánh, Nha Trang. Đến ngày 29 tháng 11 năm 1976, ông bị chính quyền đưa vào giam ở trại Thủ Đức. Hai ngày sau, ông cùng nhiều tù nhân chính trị khác được đưa xuống tàu Trường Xuân đi ra Bắc. Tại miền Bắc, Nguyễn Văn Thuận bị giam trong 9 năm ở nhiều trại tù khác nhau, và bị quản chế 3 năm[14] mặc dù chính quyền không có một phiên tòa xét xử về tội danh nào.

Ngày 22 tháng 9 năm 1993, nhân việc rắc rối về việc bổ nhiệm Giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi từ Phan Thiết về Sài Gòn, ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, gửi thư cho Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Nội dung thư này có nhắc đến việc bổ nhiệm Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận: Như cụ đã biết, năm 1975 Chính phủ ta đã không chấp nhận ông Nguyễn Văn Thuận về Giáo phận thành phố và dứt khoát sẽ không bao giờ chấp nhận, vì ông Nguyễn Văn Thuận đã từng gắn bó với một gia đình có nhiều nợ máu với nhân dân và bản thân ông Nguyễn Văn Thuận cũng có một quá trình lâu dài và tinh vi chống phá sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ độc lập dân tộc.[15]

Trong tù, Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận vẫn cử hành thánh lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác. Những người đến thăm đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ông, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử. Với những thứ đó, mỗi ngày ông dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành Bí tích Thánh Thể. Buổi tối, khi ông và các tù nhân khác phải đi ngủ, họ nằm sát nhau để cử hành thánh lễ, sau đó lén chuyền Thánh Thể cho nhau qua các tấm màn chống muỗi. Họ dùng bao thuốc lá để cất giữ Thánh Thể.[16]

Tình bạn với cai tù

Thánh giá đeo ngực Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận làm trong tù

Trong khi ở trong tù với năm cai ngục trẻ. Những người phụ trách đã cấm họ để nói chuyện với Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận. Ban đầu vệ sĩ được thay đổi sau mỗi khoảng thời gian 15 ngày. Quản lý nhà tù tin các vệ sĩ có nguy cơ bị "nhiễm" – trở thành bạn bè ông nếu ở lại với ông trong thời gian dài. Cuối cùng, họ dừng không thay đổi nữa vì sợ Nguyễn Văn Thuận sẽ làm "ô nhiễm" toàn bộ lực lượng. Do đó, các "sinh viên" trẻ đã trở thành bạn ông.[17]

Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận trò chuyện với cai ngục qua cánh cửa tù về cuộc sống, các quốc gia khác nhau ông đã đến thăm, gia đình, thời thơ ấu. Ông cũng dạy họ tiếng Anh, tiếng Pháp, và một chút tiếng Nga. Một ngày nọ, ông nhờ một cai tù đem một vật dụng gì đó để ông có thể cắt một cây thánh giá từ một miếng gỗ. Mặc dù tất cả các biểu tượng tôn giáo bị nghiêm cấm, ông đã có một cây thánh giá đeo ngực (phẩm phục giám mục) trong 3 tháng. Ông giấu nó trong một bánh xà phòng. Một lần khác ông hỏi xin một đoạn dây điện và một cặp kìm. Trong vòng bốn giờ, Tổng giám mục Thuận đã sử dụng đoạn dây này nắn một chuỗi dây chuyền. Thánh giá đó về sau được mạ bạc và nó là thánh giá đeo ngực mà ông vẫn thường sử dụng.[17]

Viết sách trong thời gian quản chế

Ngày 16 tháng 8 năm 1975, một ngày sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Thuận bắt đầu biên soạn cuốn sách Năm chiếc bánh và hai con cá. Cùng viết song song với cuốn Năm chiếc bánh và hai con cá là cuốn Đường hy vọng với 1001 câu suy niệm ngắn gọn để giúp giáo dân Công giáo sống đạo một cách kiên vững trong hoàn cảnh mới của đất nước. Cuốn sách này được đánh giá là một di chúc tinh thần xúc động đối với nhiều người Công giáo Việt Nam.[8][18][19] Đến năm 1986, cuốn sách mới cơ bản hoàn thành và cho đến năm 1997, ông mới viết lời mở đầu cho nó.[18]

Hồng y Roger Etchegaray cho biết Hồng y Thuận từng kể lại cho ông nghe khoảng thời gian viết quyển sách Đường hy vọng:[20] Một buổi sáng tháng 10 năm 1975, tôi ra dấu cho một cậu bé 7 tuổi tên là Quang, đi dự lễ 5 giờ về, khi trời chưa sáng: "Con nói với mẹ mua cho cha mấy bloc lịch cũ!" Chiều tối, khi mặt trời bắt đầu lặn, Quang đem lại cho tôi các cuốn lịch bloc. Từ khi ấy, trong tháng mười và tháng 11 năm 1975, hằng đêm tôi viết cho dân tôi thông điệp từ cảnh tù đầy. Mỗi sáng, đứa bé tới lấy các tờ lịch, đem về nhà cho các anh chị chép lại thông điệp…

Trong thời gian quản chế ở Giang Xá, cách Hà Nội 17 cây số, từ 1978 đến 1982, Nguyễn Văn Thuận cũng đã viết thêm hai cuốn sách với chủ đề hy vọng. Ðó là cuốn Ðường Hy vọng dưới ánh sáng lời Chúa và Công đồng Vatican II và cuốn Những người lữ hành trên Ðường Hy vọng. Những năm biệt giam sau đó, ông đã viết khoảng 400 bài suy niệm bằng tiếng nước ngoài và đóng thành tập sách "Cầu nguyện Hy vọng".[8]

Phản ứng của gia đình

Bà Thủy Tiên – em gái Hồng y Thuận kể về thời kì này, bà cho biết:[21] Trong nhiều năm trời, chúng tôi không nhận được bất cứ tin tức gì về Ðức Hồng y cả, Chúng tôi nghĩ rằng anh của chúng tôi đã bị giết" Thế rồi hội Hồng Thập Tự, qua nhiều năm truy tìm, họ báo cho gia đình chúng tôi biết là ngài vẫn còn sống, và hiện đang bị giam trong trại cải tạo.

Bà Thủy Tiên cũng cho biết:[21] Sau này, những người cộng sản bảo ngài viết thư báo cho thân nhân mua thuốc tây gửi vào vì ngài bị bệnh... Thế rồi mỗi tháng, chúng tôi đều gửi toa đến một dược phòng bên Pháp, để đặt mua hàng trăm loại thuốc kháng sinh gửi vào trại cải tạo. Chúng tôi biết những loại thuốc đó không phải cho ngài, nhưng chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác, họ còn nhắn gia đình gửi sữa vào để nuôi người bệnh. Chúng tôi đã gửi sữa hộp vào trại, cho mãi đến khi ngài được thả, khi hỏi ngài bảo cán bộ chỉ đưa cho ngài hộp không và nói là sữa bị chuột ăn hết rồi.Có lần khi ông lâm trọng bệnh, hội Hồng Thập Tự dàn xếp để đưa ngài sang Pháp giải phẫu, rồi sau đó đưa ngài trở lại biệt giam tại miền Bắc Việt Nam.

Được trả tự do và đến Tòa giám mục Hà Nội

Ngày 21 tháng 11 năm 1988, một cán bộ đến gặp Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận và yêu cầu ông này sau khi ăn cơm phải ăn mặc sạch sẽ để đến gặp một vị lãnh đạo. Nguyễn Văn Thuận được gặp ông Mai Chí Thọ – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khi được Bộ trưởng Thọ hỏi về nguyện vọng của mình, Tổng giám mục Thuận trả lời rằng mình mong muốn được trả tự do ngay lập tức. Chưa kịp để bộ trưởng phản hồi, Tổng giám mục Thuận trình bày về thời gian ở tù đã trải dài qua ba đời giáo hoàng và bốn Tổng bí thư Liên Xô. Bộ trưởng Thọ sau đó chấp nhận nguyện vọng của Tổng giám mục Thuận và trả tự do cho ông này, đưa vị giám mục đến quản chế tại tòa Tổng giám mục Hà Nội.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận http://www.catholicweekly.com.au/01/mar/18/story_1... http://www.catholicworldreport.com/Item/2833/cardi... http://www.daughtersofstpaul.com/cardvanthuan/bio.... http://ghxhcg.com/article.aspx?id=1991 http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=741 http://www.youtube.com/playlist?list=PLcx3AxCBq_KW... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb122249835 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb122249835